SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng thương hiệu thực phẩm chế biến: Nền tảng từ thị trường trong nước

[28/08/2015 13:55]

Sau gần 30 năm đổi mới, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam đã từng bước đáp ứng nhiều sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế, phục vụ nhu cầu trong nước, thay thế một phần hàng hóa nhập khẩu và tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển còn khá khiêm tốn so với tiềm năng.

Chế biến thủy sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa

“Cửa hàng thực phẩm của thế giới”

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đên năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 9/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, trong đó ngành công nghiệp chế biến được lựa chọn đầu tiên.

Để triển khai chiến lược đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 880/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phát triển ngành chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, đồ uống phải theo hướng hiện đại, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu trên các thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Phan Chánh Dưỡng- chuyên gia kinh tế- chúng ta có tiềm năng và thế mạnh về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, nhân lực với nguồn nông sản phong phú, rất phù hợp với công nghiệp chế biến thực phẩm.

Đồng quan điểm, ông Diệp Nam Hải- Phó Tổng giám đốc Cholimex- rất tâm đắc với tiềm năng thế mạnh của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam. Tiềm năng nguyên liệu nông sản của Việt Nam phong phú. Nhưng nhà nước phải có định hướng, cơ chế hỗ trợ rõ ràng cho doanh nghiệp và người dân từ khâu kiểm soát nuôi trồng nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ…

Nhà báo Trần Hoàng thông tin: Ông Philip Kotler- cha đẻ của Marketing hiện đại- trong một lần diễn thuyết tại Việt Nam đã gợi ý: “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới thì Việt Nam hãy là nhà bếp của thế giới”. Thực tế, thời gian qua ẩm thực Việt Nam đã được các chuyên gia ẩm thực cũng như nhiều bạn bè quốc tế yêu thích và tìm hiểu. Vậy Việt Nam có thể là “cửa hàng thực phẩm của thế giới” được không và làm điều ấy bằng cách nào?

Ông Dương Nghĩa Hiệp- Phó giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ- cho biết, với vai trò động lực phát triển vùng, TP.Cần Thơ xác định công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những ngành chủ lực cùng với một số ngành công nghiệp hỗ trợ khác, gắn với các vùng nguyên liệu dồi dào cây lúa, con tôm, con cá và trái cây của Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam hoàn toàn có thể là “cửa hàng thực phẩm của thế giới”.

Ông Đặng Vũ Ngoạn- Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh- chia sẻ, năm 2015 nổi lên 2 ngành tuyển sinh cao nhất, một là ngành y, hai là ngành thực phẩm chế biến. Điều này cho thấy các ngành này hiện nay và tương lai sẽ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội, sinh viên có việc làm sau khi ra trường. Ông Ngoạn lưu ý, ngành chế biến thực phẩm của chúng ta cũng nên định vị rõ là loại thực phẩm sạch, đúng và đủ dinh dưỡng, không thừa để gây bệnh tật.

Khu công nghiệp thực phẩm công nghệ cao

Để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thực phẩm phát triển bền vững tại thị trường nội địa và từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài như Quyết định 880/QĐ-TTg, theo ý kiến của các chuyên gia, có nhiều giải pháp cần được thực thi, trong đó có ý tưởng hình thành khu công nghiệp chế biến thực phẩm công nghệ cao, tạo ra cơ hội và thế mạnh kinh doanh mới cho ngành chế biến thực phẩm Việt Nam thông qua sự tích hợp của các ngành công nghiệp khác nhau với nhiều dịch vụ tiện ích, từ nghiên cứu phát triển (R&D), tập kết nguyên liệu, thiết kế mẫu mã, đóng gói bao bì, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng, xây dựng thương hiệu…, nhằm giúp các doanh nghiệp cải tiến sản phẩm hoặc phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.

Ông Phan Minh Quốc- Phó giám đốc Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt- Hàn- cho hay, hiện nay vườn ươm đã xây dựng xong nhà xưởng. Vườn ươm đáp ứng nhu cầu ươm tạo công nghệ sản phẩm mới phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản, cơ khí phục vụ chế biến nông, thủy sản. Vườn ươm có thể đảm nhận phần nghiên cứu phát triển cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo nhà báo Trần Hoàng, Chính phủ và các địa phương luôn cổ vũ cho việc liên kết và muốn liên kết thành công cần phải có những công cụ mang tính chất vùng. Khu công nghiệp thực phẩm công nghệ cao có thể là một công cụ làm tốt công tác này, nơi đây tập hợp tổng cầu nguyên liệu phục vụ chế biến. Trên cơ sở tổng cầu, khu công nghiệp thực phẩm công nghệ cao sẽ liên kết các địa phương, liên kết nông dân hình thành những vùng nguyên liệu và chuỗi giá trị. Ở phía Nam, theo đặc điểm nguyên liệu từng vùng, có thể hình thành một khu chế biến tại miền Đông Nam bộ và một khu chế biến tại miền Tây Nam bộ. Dựa trên nền tảng Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt- Hàn, Cần Thơ có thể thành lập khu công nghiệp chế biến thực phẩm công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Chang, Chang- hyoek- Phó giám đốc Công ty xúc tiến Đông Nam- Hàn Quốc đã hình thành các cụm công nghiệp chế biến thực phẩm rất thành công. Việt Nam có nhiều sản phẩm chất lượng như trái cây, thủy sản, gạo, rau nhưng đa số bán thô chứ chưa tinh chế và không làm thương hiệu. Thế giới biết Hàn Quốc thông qua những thương hiệu điện tử và ôtô nổi tiếng toàn cầu như SamSung, LG, Huyndai… Tại sao thế giới không thể biết Việt Nam qua những thương hiệu thực phẩm nổi tiếng như cà phê Trung Nguyên- G7, hay bia 333? Trong tương lai, Việt Nam cần chú trọng làm thương hiệu. Khu công nghiệp thực phẩm công nghệ cao và Cần Thơ có thế làm được điều này.

Ông Phan Chánh Dưỡng lưu ý, để ngành chế biến thực phẩm thành công, trước tiên cần phải lấy thị trường trong nước làm gốc. Tại sao kim ngạch xuất khẩu cá basa rất lớn song thị phần trong nước lại chiếm chưa đến 10%? Chúng ta chưa quen sử dụng nhiều những sản phẩm qua chế biến mà sử dụng những sản phẩm tươi. Ngoài ra, chiến lược phát triển ngành thực phẩm đã rõ, vấn đề là các địa phương phải cùng các bộ, ngành xây dựng cơ chế phù hợp, dài hơi và kiên trì thúc đẩy phát triển, không thể theo “tư duy nhiệm kỳ”.

Theo số liệu dự báo của Bộ Công Thương, sức tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam vào năm 2016 sẽ tăng 5,1%, ước đạt 29,5 tỷ USD. Mức tiêu thụ thực phẩm bình quân đầu người vào thời điểm đó vào khoảng 5,8 triệu đồng (tương đương 316 USD).

www.baocongthuong.com .vn (thkhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ