SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Dự báo ngư trường nâng cao năng suất và sản lượng khai thác cá ngừ

[02/06/2016 13:56]

Thành công của Đề tài “Nghiên cứu triển khai qui trình công nghệ dự báo ngư trường phục vụ khai thác nguồn lợi cá ngừ đại dương trên vùng biển Việt Nam”, mã số KC.09.18/11-15 do Viện Nghiên cứu Hải Sản chủ trì, PGS.TS. Đoàn Văn Bộ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Chủ nhiệm đã phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá cá ngừ đại dương trên vùng biển xa bờ.

Thu mua cá ngừ đại dương tại cảng cá Quy Nhơn (Bình Định)

Mang lại hiệu quả kinh tế

Trong những năm qua, hoạt động đánh bắt xa bờ nói chung và nghề câu cá ngừ đại dương ở các địa phương thuộc duyên hải Nam Trung bộ đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một ngành kinh tế mang lại thu nhập ổn định cho ngư dân. Bên cạnh chính sách đầu tư và hỗ trợ từ Nhà nước để ngư dân bám biển, việc nghiên cứu đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ dự báo ngư trường (DBNT) đã góp phần nâng cao năng suất và sản lượng khai thác cá ngừ. 

Theo PGS.TS. Đoàn Văn Bộ, mặc dù đã có được vị trí nhất định trong cơ cấu ngành nghề khai thác biển, song hoạt động khai thác xa bờ nói chung, khai thác cá ngừ đại dương (CNĐD) nói riêng cho đến nay vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của ngư dân nên sản lượng khai thác không ổn định, đầu tư cho sản xuất kém hiệu quả, nhất là trong thời gian gần đây khi giá nhiên liệu và giá sản phẩm khai thác có nhiều biến động khó lường. 

Đánh bắt xa bờ không chỉ đòi hỏi về đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, lực lượng lao động và năng lực quản lý phù hợp mà còn rất cần sự “vào cuộc” của khoa học nghề cá, trong đó dự báo ngư trường là vấn đề cấp thiết và là nhiệm vụ phải đi trước.

Ở Việt Nam, các nghiên cứu thiết lập bản tin dự báo khai thác cá biển đã được tiến hành khá sớm từ năm 1970. Từ năm 1997 đến nay công tác DBNT đã được Tổng cục Thủy sản giao Viện Nghiên cứu Hải Sản thực hiện như một nhiệm vụ thường xuyên. Tuy nhiên, các dự báo ở nhiệm vụ này được xây dựng theo phương pháp truyền thống (chồng bản đồ) chỉ dựa trên một lượng không nhiều số liệu cập nhật từ sổ nhật ký khai thác mà chưa có gắn kết với các điều kiện sinh học, sinh thái-môi trường biển, nên chất lượng dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn sản xuất.

Đề tài đưa ra một số giải pháp có tính định hướng trên cơ sở thực trạng khai thác xa bờ cũng như công tác DBNT và phát báo phục vụ khai thác hiện nay, trong đó sử dụng hai phương pháp nghiên cứu chính là DBNT ngắn hạn (hạn tháng và hạn 7-10 ngày) và dự báo ngư trường dài hạn (1 năm).

PGS.TS. Đoàn Văn Bộ cho biết, để thực hiện Đề tài, ngoài dữ liệu lịch sử hiện có từ cơ sở dữ liệu nghề cá xa bờ, nhóm nghiên cứu đã thực hiện bổ sung 2 chuyến điều tra khảo sát và thu được 60 mẻ, 6 chuyến giám sát chính với 108 mẻ và gần 100 chuyến giám sát phụ với khoảng 1000 mẻ. Đồng thời, nhóm tiến hành thu thập dữ liệu từ nhật ký khai thác của ngư dân do đề tài tổ chức thực hiện tại 3 tỉnh trọng điểm nghề cá xa bờ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, đã thu được khoảng 5700 mẻ. Các số liệu cập nhật này được sử dụng để kiểm tra đánh giá dự báo và làm giàu thêm cơ sở dữ liệu.

Kết quả tổng hợp từ 120 biên bản kiểm tra dự báo hạn 7-10 ngày cho thấy: 100% các dự báo đều được đánh giá đạt yêu cầu trở lên với độ tin cậy trung bình 77%, trong đó tỷ lệ cao nhất gần 98,5%, thấp nhất 60%. Các tỷ lệ này đã vượt mức yêu cầu 60% theo đề cương ban đầu. Trong số 120 dự báo có 86 dự báo được đánh giá loại khá trở lên (chiếm trên 70%), trong đó có 16 dự báo được đánh giá loại tốt. 

Đối với dự báo hạn năm ngư trường các nghề câu vàng, lưới rê, lưới vây, kết quả cho thấy, trong 10 dự báo theo đối tượng (nghề câu có 2 đối tượng) được kiểm tra đều ở mức từ Đạt trở lên, trong đó có 6 dự báo tốt, 3 dự báo Khá cho thấy các dự báo có độ tin cậy đáp ứng được yêu cầu.

de tai 1.jpg

Các ngư dân trong một chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương


Các dự báo ngư trường nghề câu cá ngừ đại dương được xây dựng, phát báo định kỳ và thường xuyên, phục vụ có hiệu quả cho các hoạt động khai thác và quản lý nguồn lợi cá nổi lớn đại dương, giúp ngư dân tiết kiệm thời gian, nhiên liệu tìm kiếm ngư trường, điều hành thời gian khai thác hợp lý, tiết kiệm chi phí và thu lợi nhuận cao, đảm bảo đời sống ổn định, góp phần tăng trưởng kinh tế ngành thủy hải sản nước nhà.

Cơ sở cho nghiên cứu dự báo ngư trường đánh bắt xa bờ

Tiếp cận mối quan hệ “ngư trường - môi trường” là giải pháp đúng đắn trong xây dựng phương pháp DBNT hạn ngắn dựa trên phương trình hồi quy giữa CPUE (Catch Per Unit Effort) nghề cá với các yếu tố môi trường biển. Quy trình công nghệ DBNT hạn ngắn theo phương pháp này đã được nghiên cứu phát triển và hoàn thiện, có hệ thống công cụ thực hiện dự báo được nâng cấp, mở rộng cùng thiết bị tính toán hiện đại, có thể áp dụng dự báo cho mọi loại nghề, chung cho mọi đối tượng hoặc riêng từng loài cá, có thể triển khai ở mọi vùng biển Việt Nam với hạn dự báo tùy chọn phục vụ hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ.

DBNT hạn năm cho các nghề cá xa bờ phục vụ công tác quản lý thông qua dự báo sản lượng, trữ lượng và MSY (được hiểu là khả năng khai thác cho phép tối ưu) các đối tượng khai thác chính của nghề, phương pháp sử dụng kết hợp mô hình LCA (Length-base Cohort Analysis) với dự báo Thompson and Bell. Quy trình dự báo xây dựng theo phương pháp này đã được nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện để triển khai dự báo khai thác hàng năm các đối tượng chính của các nghề câu vàng, câu tay, lưới rê, lưới vây, đáp ứng mục tiêu quản lý và điều hành sản xuất.

Hệ thống thông tin dự báo ngư trường do đề tài xây dựng có nhiệm vụ xử lý thông tin, phân tích, tính toán, dự báo và kiểm tra, truy xuất kết quả dự báo và phát báo. Thực chất, về cơ bản đây chính là quy trình dự báo ngư trường hạn ngắn “khép kín”, được đặt trong hệ thống liên hoàn từ khâu cập nhật dữ liệu, triển khai dự báo đến phát báo và tiếp tục thu nhận thông tin phản hồi từ sản xuất để đánh giá dự báo và cập nhật dữ liệu. Đây cũng được xem là hệ thống thông tin dự báo ngư trường hoàn chỉnh nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này, có nhiều bổ sung và cải tiến ưu việt hơn so với trước đây.

Theo PGS.TS. Đoàn Văn Bộ, khó khăn của đề tài là số liệu thống kê, kiểm chứng dự báo còn ít, chủ yếu dựa vào nguồn từ lịch trình đi biển của ngư dân. Số liệu của ngư dân đưa ra còn nhiều hạn chế bởi ngư dân thường bí mật ngư trường, bí mật sản lượng khai thác. 

Do vậy, giải pháp được đưa ra là, ngoài việc sử dụng thông tin tức thời từ vệ tinh của dự án Movimar về vị trí tàu đang khai thác trên biển, Đề tài còn tổ chức liên kết chặt chẽ một số cán bộ tại địa phương (chủ yếu ở Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa), trả lương cho đội ngũ cán bộ đó và ngư dân nào nộp lại nhật trình có chất lượng sẽ được nhận một “khoản kinh phí động viên” từ Đề tài. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, Đề tài đã hoàn thành toàn bộ nội dung khoa học, đáp ứng đầy đủ yêu cầu cả 3 mục tiêu với các sản phẩm dự báo ngư trường đã được các cấp có thẩm quyền cho phép phát báo trên nhiều phương tiện truyền thông phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá cá ngừ đại dương trên vùng biển xa bờ.

www.truyenthongkhoahoc.vn(lntrang)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ