SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đồ chơi Trung Quốc ‘ba không’ giá rẻ ‘phủ sóng’ vùng nông thôn

[29/08/2016 08:50]

Với màu sắc bắt mắt, tính năng đa dạng, đồ chơi giá rẻ Trung Quốc đang là mặt hàng đặc biệt hút khách tại các vùng quê.

Tràn lan đồ chơi giá rẻ

Tại các khu vui chơi, hội trại các xã thuộc huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) tràn ngập hàng chục cửa hàng tự do bán đủ loại trò chơi Trung Quốc như súng ống các loại, kiếm, xe đua thể thao, cá điện, đồ chơi thông minh tiện ích, cối xay gió, kèn màu, thú bông, miếng dán hoạt hình, vòng tay phát quang…Các trò chơi được bọc trong túi nylon, hộp nhựa ghi rõ chữ Trung Quốc. Giá chỉ dao động từ 8.000 đồng tới 150.000 đồng/sản phẩm.

Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, tất cả các loại đồ chơi được bày bán ở đây, không hề có tem hợp chuẩn CR, không có nhãn phụ bằng tiếng việt, đặc biệt không có cảnh báo đối với đồ chơi hạn chế lứa tuổi theo quy định.

Khắp khu vui chơi đều inh ỏi đủ loại âm thanh phát ra từ các đồ chơi kèn, loa, cá điện, gấu bông…Những đồ chơi này chủ yếu làm nhựa dẻo hoặc cứng, kim loại, cao su, vải sợi đầy màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, phát ra âm thanh, ánh sáng khiến nhiều trẻ em không muốn rời mắt. Các chủ hàng khẳng định, mọi đồ chơi không có tính sát thương, giá thành rẻ rất tiện ích cho bé vui chơi, giải trí, phát triển trí thông minh.

Một chiếc kèn nhựa 3 màu có giá khoảng 35.000 đồng, trẻ chỉ cần ngậm vào miệng thổi mạnh sẽ phát ra âm thanh; cá điện đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng chỉ cần bật công tắc sẽ tự động vẫy đuôi, cong mình, giá 45.000 đồng/ con; bóng cầm tay phát quang đủ màu…

Thấy con trai khóc lóc nằng nặc đòi mua kèn màu để chơi, chị Loan (27 tuổi) đành phải chiều con. “Suốt mấy ngày thổi làm cả nhà suýt ù tai, cu cậu khàn cả tiếng vẫn cứ đòi mẹ cho chơi tiếp, đến nỗi nó ngậm cái đầu kèn nhăn nhúm hết cả”, bà mẹ trẻ cho biết.

Không như các bà mẹ khác, chị Toan quyết không mua đồ chơi cho con vì vừa tốn kém lại không đảm bảo sức khỏe: “Trước đây, mua đồ chơi gì thì cũng chỉ được vài ngày là hỏng. Chơi chán lại cho vào miêng ngậm, thậm chí còn trầy xước chân tay vì nghịch quá đà”.

Không chỉ để chơi, nhiều trẻ nhỏ còn dùng một số đồ chơi để đựng đồ ăn, thức uống.

Cảnh giác với đồ chơi không rõ nguồn gốc

PGS. TS Trịnh Lê Hùng (Đại học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, các hợp chất phthalate được sử dụng rộng rãi như chất hóa dẻo để làm mềm các vật liệu dễ vỡ, đặc biệt là polyme. Trong số các chất hóa dẻo gốc phthalate thì DOP và DBP là các loại chất hóa dẻo được sử dụng phổ biến nhất trong sản xuất sản phẩm nhựa PVC, PP và PE. Tuy nhiên, ít ai biết các hợp chất phthalate tiềm ẩn mối nguy hại cho con người nếu sử dụng quá mức cho phép, có thể gây ra hàng loạt các chứng bệnh ở con người và gây ngộ độc ở trẻ em.

Tiếp xúc lâu dài, lượng phthalate tích tụ lớn còn có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormone của cơ thể. Một số hóa chất gốc phthalate ảnh hưởng đến nội tiết đã được xác định là dibutylphtalate (DBP). Đối với trẻ em, khi tiếp xúc hỗn hợp hóa chất này nguy cơ rất cao mắc các bệnh về hen suyễn và dị ứng.

Tổ chức vì môi trường Greenpeace cũng đã lẫy mẫu đồ chơi tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Hong Kong của Trung Quốc, phát hiện tới 70% chứa phụ gia phthalates gây ra rối loạn nội tiết trong cơ thể.

vietq.vn (Duc Luu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ